Lịch sử Việt Nam đã tồn tại chế độ chính trị đa đảng trong một thời gian dài. Nhưng vì sao chế độ này lại bị xoá bỏ? Chính xác hơn, vì sao Đảng, Nhà nước Việt Nam lại xoá bỏ chế độ đa đảng? Tất nhiên, bài viết cũng sẽ trả lời cho câu hỏi: Các đảng phái khác tự giải tán hay giải tán theo chủ trương của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam?

Trước hết, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số tình huống “thú vị”, thậm chí khôi hài, về “đa đảng” ở một số quốc gia độc tài trên thế giới. Sau đó sẽ trực tiếp giải đáp cho những câu hỏi đã nêu về lý do xoá bỏ chế độ đa đảng trong lịch sử Việt Nam.

Hài hước tại Triều Tiên

Nếu là lần đầu, hẳn bạn sẽ kinh ngạc khi biết rằng Triều Tiên là một quốc gia “đa đảng”? Hiện có tới bốn đảng phái chia nhau ghế trong Hội đồng nhân dân tối cao – có vẻ giống như quốc hội. Trong đó, Đảng lao động Triều Tiên – do Kim Jong Un làm Tổng bí thư – chiếm khoảng 75% số ghế.

Tính hài hước có lẽ lên đến đỉnh điểm khi vào năm 2012, Đảng lao động Triều Tiên ra quyết định gọi Kim Jong Un là “Tổng bí thư vĩnh cửu”. Dường như đây là “đồng chí” Tổng bí thư không bao giờ chết!?

Châm biếm tại Trung Quốc

Trớ trêu không kém, ngoài Đảng cộng sản, hiện Trung Quốc còn có 8 đảng phái hợp pháp khác đang hoạt động. Hiến pháp Trung Quốc quy định Đảng cộng sản là chính đảng chấp chính duy nhất. Điều này có vẻ giống với quy định trong Hiến pháp 1980 của Việt nam rằng Đảng cộng sản cũng là lực lượng lãnh đạo duy nhất.

Phương châm của Đảng cộng sản Trung Quốc và 8 đảng phái nêu trên là: “Cùng tồn tại lâu dài, giám sát lẫn nhau, đối xử chân thành với nhau, vinh nhục có nhau”.

Và do vậy, nếu đánh đồng nhiều đảng với đa đảng, đây chẳng phải là thứ vô cùng châm biếm!?

Thất vọng tại Liên bang Nga

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều quốc gia Đông Âu đã chuyển đổi thành công sang chế độ dân chủ. Tuy nhiên, đa số còn lại, trong đó có Nga, chỉ đơn thuần là sự thay thế bằng một chế độ độc tài khác. Điều này vẫn đúng cho dù hiện nay Nga có 4 đảng phái khác nhau.

Đây có lẽ cũng là một điểm rất đáng lưu ý đối với phong chào tự do, dân chủ tại Việt Nam. Kết quả của phong trào này, nếu không cẩn thận, chưa chắc đã mang lại một nền tự do, dân chủ. Bởi những kẻ cơ hội, đạo đức giả trong và ngoài Đảng không hề ít. “Những kẻ cơ hội” cũng đã được lưu ý trong Văn kiện bởi chính Đảng cộng sản Việt nam.

Khi đó, công sức, và cả sự hy sinh cho phong trào tự do, dân chủ đều trở nên vô nghĩa.

Lịch sử đa đảng tại Việt Nam

Phần này không có tham vọng chi tiết lịch sử hình thành, phát triển và “tự giải tán” (hay bị xoá bỏ?) của các đảng phái khác. Cụ thể hơn, chúng ta sẽ chỉ xem xét ví dụ về hai đảng phái, ngoài Đảng cộng sản, để thấy thứ gì đó na ná “đa đảng” tại Triều Tiên và Trung Quốc đã nêu trên.

Ví dụ được xem xét là Đảng Dân chủ và Đảng xã hội Việt Nam. Theo bài viết trên trang điện tử Quân đội Nhân dân:

“Trong các cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ suốt 30 năm (1945-1975), một lần nữa lịch sử và nhân dân lại lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ này, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tồn tại hai đảng khác, như: Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng đó chưa bao giờ đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đều ủng hộ, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó đã hoàn toàn tự nguyện giải tán. Cũng trong thời gian này, còn có những đảng phái thân Pháp, thân Mỹ đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và lợi ích của nhân dân lao động, nên cũng đã bị chính nhân dân ta đấu tranh loại bỏ”.

Nhiều đảng không có nghĩa đa đảng

Trước tiên, chúng ta tạm chưa đề cập đến phần cuối của đoạn trích về “những đảng phái thân Pháp, thân Mỹ đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và lợi ích của nhân dân lao động, nên cũng đã bị chính nhân dân ta đấu tranh loại bỏ”.

Tạm chưa đề cập là bởi vì chưa thể xác nhận các đảng phái đó có thực sự đi ngược quyền lợi của dân tộc. Tương tự, chúng ta cũng chưa thể biết chính xác họ có bị “chính nhân dân ta đấu tranh loại bỏ” hay không.

Tuy nhiên, từ nội dung được trích từ trang điện tử Quân đội Nhân dân, chúng ta biết rằng nhiều nhưng suy cho cùng vẫn là một đảng. Bởi họ được thành lập và hoạt động theo chủ trương và lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Khẳng định vừa nêu được tham chiếu tới một thông tin khác nữa, từ bài viết trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân:

“Theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, để mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất, được sự động viên, khuyến khích của Bác Hồ, ngày 22.7.1946 ông (Nguyễn Xiển) là một trong số 34 vị sáng lập viên Đảng Xã hội Việt Nam và được bầu làm Phó Tổng Thư ký; từ năm 1965 ông được bầu làm Tổng Thư ký thay ông Phan Tử Nghĩa và giữ chức vụ này đến ngày Đảng Xã hội tự giải thể vào năm 1988 khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử”.

Ngay từ đầu bài viết, chúng ta đã lấy ví dụ về “đa đảng” tại Nga, Triều Tiên, và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây vẫn là các quốc gia điển hình về chế độ độc tài.

Cùng với thực tế tại Việt Nam, sự tồn tại của các đảng phái khác nhau chỉ mang tính “nhiều hơn một đảng”. Nói cách khác, đó không thể được gọi là đa đảng.

Xoá bỏ đa đảng là hợp lý?

Trước hết, đoạn trích từ trang điện tử Quân đội Nhân dân nêu trên đề cập đến việc Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội Việt Nam “tự nguyện giải tán”, hay “tự giải thể” theo trang Đại biểu Nhân dân.

Tuy nhiên, ở nội dung trích dẫn từ trang Đại biểu Nhân dân, chúng ta biết rằng việc thành lập Đảng Xã hội Việt Nam được ông Hồ Chí Minh khuyến khích. Do đó, hẳn việc thành lập hai đảng này cũng là chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam? Nếu vậy, việc giải tán chưa chắc đã tự nguyện, mà cũng phải có chủ trương của Đảng cộng sản? Nên chúng ta sẽ gọi đó là hai đảng phái khác bị xoá bỏ bởi Đảng cộng sản, Nhà nước Việt Nam?

Mặc dù vậy, tính hợp lý của việc xoá bỏ là ở chỗ: Nếu nhiều vẫn là một, vẫn độc tài, và nếu nhiều vẫn không phải đa đảng thì nên giải tán? Bởi sự tồn tại của đa đảng giả hiệu sẽ ngăn cản đa đảng thực sự? Từ đó ngăn cản quá trình tự do và dân chủ? Thậm chí, nếu không xoá bỏ, sự tồn tại nhiều đảng như thế có thể tạo ra cái cớ giải thích cực đoan, bao biện rằng nhiều đảng đồng nghĩa với đa đảng, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ?

Trong trường hợp lập luận nêu trên cũng chính là quan điểm của Đảng cộng sản, đồng thời, nếu giả thuyết Đảng đổi mới nhằm đa đảng là chính xác, phải chăng Đảng cộng sản đang có chiến lược đúng đắn nói riêng về đa đảng, và đúng đắn về tự do, dân chủ nói chung?